Phương pháp Origami: Ba mẹ cùng bé kích thích sáng tạo
Hiểu rằng việc chăm lo cho trí sáng tạo của bé vô cùng quan trọng, những phương pháp ba mẹ lựa chọn để giáo dục con luôn được tìm hiểu và chọn lọc một cách kỹ lưỡng nhất. Tại Nhật Bản, có một phương pháp giáo dục con trẻ vô cùng nổi tiếng đã được áp dụng phổ biến trong chương trình dạy học cho trẻ em mang tên Nghệ thuật xếp giấy Origami. Không chỉ ở Nhật Bản, cách thức giáo dục này còn nổi tiếng trên toàn thế giới.
Nguồn gốc đầu tiên của thuật xếp giấy là ở Trung Hoa, vào giai đoạn khoảng thế kỷ thứ I. Sau đó được du nhập vào Nhật Bản và phát triển phổ biến mạnh mẽ ở đất nước này cho đến hiện tại.
Nghệ thuật xếp giấy Origami là gì?

Trong Origami, bé sẽ bắt đầu với một tờ giấy vuông và sau đó gấp theo các hướng dẫn để cho ra được hình dạng mong muốn. Từ những hình thù xếp giấy đơn giản ban đầu, dần dần bé tiếp tục phát triển lên các dạng hình học phức tạp hơn. Thậm chí nhờ vào sức sáng tạo vô hạn, bé có thể tự tạo nên các tác phẩm từ chính suy nghĩ của mình.
Tác dụng của phương pháp Origami đối với trẻ
Để có được một tác phẩm Origami đòi hỏi người làm ra nó phải có được sự tập trung cao độ, tính tỉ mỉ và đặc biệt là sự kiên nhẫn. Điều này giúp bé rèn luyện được khả năng tập trung, tính khéo léo và giải quyết vấn đề hiệu quả. Hơn nữa là tư duy logic và kỹ năng sáng tạo cá nhân. Đối với trẻ có tính vội vàng, lơ là, mất tập trung thì đây là phương pháp vô cùng thích hợp để ba mẹ cùng bé tập luyện lại tính kiên nhẫn.

Bên cạnh đó, khi bé được thoải mái sáng tạo các tác phẩm mang tính cá nhân và thuyết minh về thành phẩm mình làm được cũng đồng nghĩa với việc phát triển khả năng về ngôn ngữ và truyền đạt suy nghĩ thành lời nói. Điều này giúp ba mẹ có thể hiểu con mình dễ dàng hơn, chọn lựa được những thông điệp giáo dục phù hợp với con ở từng giai đoạn lớn khôn.
Mặt khác, những giây phút vừa chơi vừa học với Origami còn giúp ba mẹ và con cái được thư giãn, giảm căng thẳng hiệu quả, tận hưởng những giây phút thoải mái bên nhau.
Cùng con học nghệ thuật xếp giấy

Vào những ngày đầu cùng con học gấp giấy, ba mẹ có thể ngồi cạnh và làm mẫu, sau đó nhẹ nhàng và kiên nhẫn cầm tay con thực hiện từng bước để cho ra sản phẩm cuối cùng. Để con không cảm thấy khó khăn ngay từ những buổi đầu tiên, ba mẹ nên để con làm quen với những hình mẫu đơn giản trước và dần nâng lên những hình đòi hỏi phức tạp hơn. Nếu có những hình mẫu quá khó thì có thể chuyển sang làm một hình khác để không bị nản và lấy lại sự hứng thú cho bé. Sau đó ba mẹ có thể cùng bé quay lại thử sức một lần nữa với hình gấp khó khăn ban đầu.